Cửa Lò Nghệ An
Địa điểm du lịch của Cửa Lò
Nằm ngay sát bờ biển, đảo Lan Châu có hình dáng như một con cóc khổng lồ đang vươn mình ra biển khơi. Đảo Lan Châu nằm trong tour du lịch chính của Thị xã biển Cửa Lò, dành cho những du khách ưa khám phá vẻ đẹp hoang sơ. Đảo Lan Châu nằm ngay sát biển Cửa Lò, chia bãi tắm Cửa Lò thành hai khu vực riêng biệt. Những lúc triều dâng, toàn đảo dầm chân trong nước biển.
Phía đông đảo Lan Châu là những vách đá lô nhô trải dài ra phía biển, do sự bào mòn của gió và sóng tạo cho những hòn đá này có những hình thù kỳ thú. Trên đỉnh cao của đảo có lầu nghinh phong của vua Bảo Đại. Từ vị trí này có thể quan sát toàn cảnh Thị xã, cảng Cửa Lò và phóng tầm mắt ra biển khơi bao la.
Chùa cổ trên đảo Hòn Ngư
Xuống tàu, đi qua cầu cảng là được chiêm ngưỡng chùa Ngư (Song Ngư tự), có từ thời Trần nhưng mới được UBND TX Cửa Lò phục dựng vào năm 2005. Trước chùa có 2 hai cây lộc vừng tương truyền đã 600 trăm năm tuổi, cành lá um tùm sum suê mọc trên hai gốc khổng lồ. Chính giữa chùa là giếng Ngọc, có nguồn nước ngọt mát, dùng để nấu lên loại rượu Song Ngư ngon nức tiếng.

Đảo nằm ngoài biển, cách bờ hơn 4 km. Đảo gồm hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển.Diện tích 2,5 km², thuận tiện cho việc du lịch tham quan. Trên đảo có Bãi Chùa, chùa được xây dựng ở thế kỷ thứ XIII có Chùa và Vườn chùa; Chùa có chùa Thượng, chùa Hạ, mỗi Chùa có 3 gian lợp ngói âm dương; Các xà hạ khắc chạm các vật Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) rất đẹp và rất linh thiêng; Vườn chùa có nhiều cây xanh mọc tự nhiên như: Đại, Mưng, Dưới (trong Vườn chùa hiện có 02 cây Dưới cổ thụ) và 01 giếng nước ngọt gọi là Giếng Ngọc. Sân chùa có 2 cây Lộc Vừng khoảng 700 năm tuổi.
Cửa Hội
Cách Cửa Lò 5 km dọc theo bãi biển. Cửa Hội là chính nơi con sông Lam đổ ra biển, nơi đây có biển, có sông. Từ nơi này có nhìn thấy Hòn Ngư trực diện nhất. Khu vực này bạt ngàn rặng phi lao, biển ở đây vẫn còn hoang sơ, tĩnh lặng khác hẳn với không khí náo nhiệt ở Cửa Lò. Từ Cửa Hội có thể đi dọc theo đường ven Sông Lam đi qua rừng Chàm Hưng Hòa (nơi có một thảm thực vật, động vật phong phú gồm nhiều loài chim và bò sát) đến Núi Quyết, Bến Thủy hoặc đi theo tỉnh lộ 535 khoảng 10 km là đến trung tâm thành phố Vinh.
Sông Cấm
Sông Cấm chảy phía Bắc của thị xã, hai bên bờ sông núi non nối tiếp nhau như ôm lấy dòng sông để đưa dòng sông về với biển lớn, tạo nên phong cảnh hữu tình. Bên tả ngạn dòng sông có núi lớn đầu núi hướng ra biển tựa như đầu rồng gọi là núi Rồng (Long Sơn) với màu sáng tươi, phía cuối núi nơi sát biển có một giếng nước ngọt trong xanh, không bao giờ cạn còn gọi là Mắt Rồng được nhân dân thường lấy nước về để tế lễ thần linh. Bên hữu ngạn đối diện Long Sơn là Lô Sơn (núi Lò) là Lò của trời đấy nên rất linh thiêng.
Chùa Lô Sơn
Tên chữ là Phổ Am Tự, chùa nằm trên địa bàn khối 6, phường Nghi Tân phía bắc Cửa Lò tựa lưng vào núi Lô Sơn, chùa được dựng từ thời Lê, cảnh chùa trang nghiêm, thanh tịnh. Trong chùa có xá lợi Đức Bổn Sư Thích Ca và xá lợi các thánh tăng. Ngoài ra còn có nhiều cây cổ thụ lớn lâu năm như Cây Đại có tuổi hơn 420 năm; Cây Mít có tuổi hơn 360 năm, Cây Nhãn hơn 260 năm.
Nhắc đến Nghệ An thì ai cũng nghĩ đến Cửa Lò, nhưng còn có một bãi biển nữa cũng đẹp và hoang sơ không kém, đó là Bãi Lữ. Thuộc địa phận huyện Nghi Lộc của Nghệ An. Tên gọi Bãi Lữ bắt nguồn từ tên của ngọn núi Lữ Sơn đứng sừng sững hàng ngàn năm trên bãi biển.


Ở vùng đất Cửa Lò có nhiều di tích lịch sử văn hoá: Đền thờ Nguyễn Xí, đền thờ Nguyễn Sư Hồi, đền Thu Lũng, chùa Lô Sơn, chùa đảo Ngư, đi liền với các di tích ấy là các lễ hội. Ngoài ra du khách còn có thể được nghe hát dân ca xứ Nghệ, tìm hiểu cuộc sống, lịch sử văn hoá, ngôn ngữ của người dân nơi đây cũng là điều thú vị đối với khách du lịch. Từ Cửa Lò du khách có thể đến thăm khu di tích Kim Liên quê hương Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền Hoàng Mười, mộ Đại Thi Hào Nguyễn Du, núi Dũng Quyết, đền thờ An Dương Vương, vườn Quốc Gia Pù Mát, hang Thẩm ồm.
Đặc sản của Cửa Lò
Mọc cua bể

Du khách khi đến xứ Nghệ, sau khi vui đùa thỏa thích với sóng biển Cửa Lò, hãy thưởng thức món mọc cua bể nổi tiếng ở nơi này, món ăn có mùi thơm quyến rũ và giàu chất đạm.
Để tạo ra món mọc cua bể, người chế biến phải rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Thịt cua được gỡ nhỏ, thêm một lạng thịt giã nhỏ, một chút tiêu, hành khô, nước mắm, thêm một chút mộc nhĩ và nấm hương thì vị sẽ càng thêm ngon. Những nguyên liệu này đem trộn đều cho ngấm rồi đắp vào mai cua. Sau đó đặt đĩa cua vào nồi hấp chín. Người chế biến phải canh sao cho nhân thịt cua vừa tới chín, sau đó lấy lòng đỏ trứng phết đều lên lớp thịt đã chín, rồi bỏ vào hấp lại vài phút.
Khi bày ăn, người ta cắm chân cua đã luộc chín vào mai giống như cua đang sống, nhưng mùi vị thơm quyến rũ của cua, thịt, hành, và gia vị trộn với nhau khiến du khách ăn một lần nhớ mãi.
Ghẹ hấp me
Ghẹ thì ở biển nơi nào cũng có, nhưng du khách đến biển Cửa Lò chắc chắn không quên được món ghẹ hấp me dân dã ở nơi đây. Những con ghẹ chắc, có gạch, được làm sạch, bóc mai, để riêng thành 2 phần. Người chế biến khéo léo tẩm một chút xì dầu, mì chính, ớt tiêu lên toàn thân ghẹ cho ngấm đều. Sau đó thả ghẹ vào chảo dầu nóng rực cho tới khi ghẹ chuyển màu đỏ thì vớt ra.
Để món ghẹ hấp me thơm ngon, quan trọng là người chế biến phải cho lượng me thế nào cho vừa, cho đậm đà. Ở Cửa Lò rất sẵn me khô, chỉ cần cho me vào bát nước sôi, bóp nhẹ, bỏ hạt, sau đó cho sả, tỏi, mì chính, đường, hạt tiêu, ớt cay vào rim me. Phi thơm tỏi, cho ghẹ vào xóc đều rồi cho nước sốt me vào đun cho đến khi hơi sền sệt.
Món ghẹ hấp me khiến du khách cứ hít hà, tận hưởng hương vị đậm đà bởi vị chua, mặn, ngọt cộng thêm mùi thơm hấp dẫn của sả, tỏi và mùi đặc trưng của ghẹ, tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Cá giò bảy món
Về Cửa Lò, du khách chưa thưởng thức ăn được chế biến từ cá giò thì thực sự chưa đến xứ biển này. Mấy năm gần đây, nơi này mới có thêm một đặc sản mới, đó là cá giò, một loại cá có độ dinh dưỡng cao nhưng lại không gây béo phì nên rất được du khách ưa chuộng. Giống cá được nhập từ Nauy và được nuôi thí điểm ở Đảo Ngư, khi trưởng thành thường nặng khoảng 30kg.
Cá giò bắt lên khá hung dữ, nhưng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, thịt cá có thể chế biến thành 7 món hấp dẫn như gỏi cá, cá hấp sả, lòng cá xào, lẩu cá, cháo cá, vây cá rán, da chiên giòn rất hấp dẫn.
Cháo lươn
Tuy không phải là sản phẩm của Cửa Lò, nhưng cháo lươn đã góp phần làm hoàn mĩ thú vui ẩm thực của du khách khi về nghỉ dưỡng ở thị xã biển này. Từ lâu, cháo lươn đã là đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ.
Những con lươn béo vàng, được làm sạch, lấy hai thanh tre kẹp vào đầu lươn và cho vào nồi nấu với gạo. Khi cháo chín đến độ, thịt lươn sẽ tự bóc ra khỏi xương và hòa vào cháo. Lấy đầu và xương bỏ ra ngoài, đun thêm một lúc cho cháo nhừ rồi mang ra cho gia vị vào ăn nóng. Đây là món ăn khá bổ dưỡng và hấp dẫn du khách.
Cháo nghêu
Đây là món ăn rất thú vị vào ban đêm khi du khách dạo chơi ở Cửa Lò. Nghêu được luộc lên, lấy nước nấu cháo, ruột nghêu rán lên với các loại gia vị. Khi cháo chín trộn nghêu với cháo rồi đổ vào bát đã bỏ sẵn rau thơm. Mùi thơm của gạo, quyện với mùi vị của nghêu, của rau thơm tạo nên một món ăn thanh nhã. Cháo nghêu cung cấp nhiều chất đạm, tăng thêm sinh lực sau một ngày tham quan mệt mỏi.
Mực nháy
Món mực nháy nướng ở Cửa Lò từ lâu đã hấp dẫn du khách khi đến xứ biển. Mực ở đây tươi ngon, khi mới câu lên có màu trắng trong. Thật thú vị sau khi tắm biển, nằm dài trên chiếc ghế ở một vài quán ven biển, thưởng thức mùi thơm ngào ngạt của mực nướng trên bếp, thư thái tận hưởng cuộc sống.
Món mực còn có thể luộc, rim, nhồi thịt rán, làm chả mực nhưng món ăn thú vị hơn có lẽ là mực trộn tép bưởi. Đây là món dùng để ăn chơi sau một ngày thỏa sức thăm thú, tắm biển Cửa Lò. Để món ăn này thơm ngon, người đầu bếp phải khéo léo chọn loại bưởi ngon, bóc vỏ, bỏ hạt, lấy tép tươi sau đó lấy mực khô nướng chín xé nhỏ đặt vào đĩa trên tép bưởi. Người ta lấy tỏi giã nhỏ, đường, mì chính, đường, hạt tiêu hòa trong nước mắm, đem rưới lên đĩa mực trộn với tép bưởi, tạo nên món ăn có mùi rất lạ, hấp dẫn.
Nước mắm
Khi thưởng thức các loại hải sản, các món ăn của xứ Nghệ mà không có chút nước mắm tươi ngon được chế biến từ cá nục, các thu thì thật là thiếu thi vị. Thường nước mắm được làm từ loại cá nục hoặc cá thu tươi, có nhiều đạm được ủ từ 9 đến tháng 12, bao giờ ngấu mới đem ra dùng.
Để nước mắm thêm thơm ngon, ngư dân thường pha chế nước mắm với thính làm bằng gạo hoặc đậu rang và mật mía, thắng đặc rồi đổ nước cho thêm muối vào quấy đều, lọc lấy nước đem nấu nước mắm. Loại nước mắm Cửa Lò có bề dày truyền thống hàng trăm năm, có độ đạm cao, làm mỗi bữa ăn của du khách thêm đậm đà, khó quên.