Cô bé mồ côi và ước mơ thành cô giáo
Em Trần Thị Nguyên.
Tìm về khối 10, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hỏi thăm nhà em Nguyên mồ côi, học giỏi không ai là không biết. Trong căn nhà cấp 4 hai gian xập xệ, mục nát, ngoài những vật dụng đơn sơ, điểm thu hút mọi ánh nhìn là những tấm giấy khen, bằng khen của cô học trò Trần Thị Nguyên.
Suốt 9 năm học (cấp tiểu học và THCS) em luôn đạt danh hiệu “Học sinh giỏi toàn diện”. Nhiều năm liền là học sinh giỏi trường, giỏi huyện (giải nhất cuộc thi học sinh giỏi huyện môn văn năm lớp 8).
Đặc biệt, năm học 2008 – 2009 Trần Thị Nguyên được chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu biểu dương vì đã có thành tích vượt khó, chăm ngoan, học giỏi.
Năm 2013, em được tham dự hội nghị “Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc”, lần thứ 4, do Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức. Được Hội trao bằng khen “Đã có thành tích vượt khó vươn lên trong lao động, học tập giai đoạn 2010 – 2012”.
Với điểm tổng kết 8,6 năm học 2014 – 2015 Trần Thị Nguyên được công nhận là một trong những học sinh xuất sắc của trường THCS Hồ Xuân Hương. Lật từng trang vở, nhìn những nét chữ đều đặn, ngay ngắn và những điểm mười đỏ chói của Nguyên, chúng tôi không khỏi cảm phục về nghị lực vượt khó của cô học trò nhỏ. Vừa cất tiếng khóc chào đời Nguyên đã không được nghe tiếng ru ầu ơ của mẹ, cũng không được nằm trong vòng tay ấm áp của cha.
Bà Hồ Thị Ngọc nghẹn ngào nhớ lại: “Ngày mẹ nó bỏ đi… Nó cứ khóc ngằn ngặt vì đói. Bà phải bế đi khắp xóm xin người ta bú nhờ nhưng xin mãi rồi cũng phiền. Sau đó thì bà đành phải pha nước cơm thay sữa cho bú…”.
Cứ thế lúc bữa đói, khi bữa no bà nuôi em lớn lên từng ngày! Gọi là bà ngoại nhưng bà Hồ Thị Ngọc (67 tuổi) cũng chỉ là bà ngoại kế của Nguyên. Bà đến với ông em khi bà ngoại của em qua đời. Hai ông bà có với nhau một người con trai (sinh năm 1994).
Đã từ bao năm nay, bà cháu Nguyên sống chật vật chỉ với hai sào ruộng khoán, lúa không đủ ăn hết mùa và hơn 300 ngàn đồng tiền trợ cấp hàng tháng do Nhà nước hỗ trợ cho trẻ mồ côi. Họa hoằn lắm có người thuê giữ trẻ, chở củi, bốc vác, làm than… bà Ngọc đều cố gắng nhận làm.
Công việc hiện tại của bà là bán than thuê. Buổi sáng bà bán từ lúc tờ mờ tới trưa đứng bóng, buổi chiều bắt đầu từ 1 giờ tới lúc trời nhá nhem, công nhận được chỉ vẻn vẹn 30 ngàn đồng. Bà góp một ít để dành cho cháu nộp học, một ít còn lại thì dành mua mắm muối.
Dẫu không được đủ đầy, bà Ngọc vẫn luôn dành những gì tốt nhất cho cháu. Niềm vui tới trường của Nguyên đắp đổi bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn, lam lũ của bà.
Bà bảo em: “Chừng nào bà còn sống thì sẽ không để con thất học. Gắng mà học lấy cái chữ để nên người con ạ!”. Không phụ lòng bà, Nguyên chăm chỉ học hành. Phần lớn thời gian trong ngày em dành để dùi mài kinh sử, rảnh rang một chút lại giúp bà làm việc nhà, việc đồng áng.
“Em rất muốn sau này sẽ trở thành cô giáo dạy Văn. Em sẽ cố gắng học giỏi để vui lòng bà”, Nguyên tâm sự. Cô giáo Lê Thị Thu Hương – giáo viên chủ nhiệm của Nguyên suốt 4 năm học cấp hai chia sẻ: “Nguyên là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Em ngoan ngoãn, hiền lành, chịu thương, chịu khó và rất hòa đồng với thầy cô bạn bè. Về học lực, em học tốt tất cả các môn, đặc biệt đam mê và có năng khiếu văn chương. Với những thành tích đã đạt được em xứng đáng là tấm gương cho các bạn khác noi theo”.